Khám phá những nét đẹp văn hóa trong lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang

181 lượt xem - Posted on

Tuyên Quang từ lâu đã vô cùng nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh cùng với những nét đẹp trong văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc và đa dạng. Đặc biệt, khi nhắc đến những lễ hội nơi đây, không thể nào không nhắc đến lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang. Hãy cùng mình tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang qua bài viết dưới đây ngay thôi nào!

Nguồn gốc của lễ hội rước Mẫu ở tuyên quang

Nguồn gốc của lễ hội rước Mẫu ở tuyên quang

Tương truyền về vị Mẫu thần được thờ cúng tại đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La được cuốn sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép rằng đền thần Ỷ La, ở đời trước có hai công chúa tên là Ngọc Lân và Phương Dung đi du ngoạn đã đỗ thuyền ở bên bờ sông. Khi màn đêm buông xuống, trời bỗng nhiên nổi gió lớn, cuốn bay hai công chúa lên trời. Người dân nơi đó cho rằng đó là chuyện dị thường nên đã lập đền thờ cho hai vị công chúa.

Đền thờ Phương Dung công chúa được thờ ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận của xã Ỷ La xưa, tức là đền Hạ. Ngày xưa đền còn có tên gọi là đền Hiệp Thuận hay đền Tam Kỳ ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa thì ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc, tức là đền Thượng thuộc xã Tràng Đà ngày nay. Còn với đền Mẫu Ỷ La, thuộc phường Ỷ La; đây là nơi “lánh nạn” cho Tỵ Thần. Nơi đây có địa thế linh thiêng giúp che chở cho Thánh Mẫu và cũng là nơi bảo toàn cái thiện của con người.

Vậy nên, hằng năm khi tổ chức lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang, không thể nào tách rời các lễ hội ở đền Thượng, đền Hạ và đền Mẫu Ỷ La được. Trong ngày tổ chức lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang, đền Ỷ La và đền Thượng sẽ được chọn là nơi khởi kiệu còn đền Hạ là nơi hợp tế.

Hằng năm, Công chúa Ngọc Lân và công chúa Phương Dung sẽ gặp nhau hai lần vào trung tuần tháng Hai và tháng Bảy âm lịch rồi cùng nhau báo cáo lên trời. Khi rước bài vị Thánh Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ, đây được xem là biểu hiện của sự gặp gỡ và đoàn tụ, sum họp gia đình của hai chị em Ngọc Lân công chúa và Phương Dung công chúa.

Lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang được diễn ra như thế nào?

Lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang được diễn ra như thế nào?

Do trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang đã có thời kỳ bị gián đoạn. Nhưng trong tâm thức, lễ hội rước Mẫu vẫn được người dân bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của thành phố.

Trải qua một thời gian, lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang mặc dù có tiếp thu và bổ sung thêm nhiều yếu tố mới, nhưng về quy trình chuẩn bị, trang trí lễ hội, quy trình rước Mẫu, lễ vật dâng cúng, lời văn tế, kiệu cờ, trang phục….Tất cả vẫn mang đậm sắc thái cổ truyền và được lưu giữ nguyên vẹn của  người dân địa phương.

Lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang được diễn ra từ ngày 11/02 đến ngày 16/02 âm lịch hằng năm. Lễ rước kiệu Mẫu được bắt đầu từ đền Mẫu Ỷ La và đi đến đền Hạ. Sau đó sẽ đến lễ rước Kiệu Mẫu từ đền Thượng qua sông và đi đến đền Hạ để cùng hợp tế. Người rước kiệu Mẫu phải là những thanh niên nam thanh nữ tú, cùng với đó là lễ rước.

Phần lễ của lễ hội sẽ gồm có lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La, đền Thượng về đền Hạ hợp tế và nhập cung. Lễ hội sẽ được diễn ra theo trình tự là khai mạc, lễ tế Thánh Mẫu và các vị Thần, gồm có: lễ dâng hương, dâng rượu; lễ hiến sinh; lễ hoàn cung tức là lễ rước Thánh Mẫu hoàn cung tại đền Thượng và đền Ỷ La.

Phần hội sẽ gồm có các hoạt động như màn múa lân mở đầu. Tiếp đó là đấu vật, đánh cờ người, kéo co, chọi gà, hát chầu văn…

Nghi thức cúng tế được thực hiện một cách uy nghi và trang trọng. Trong lễ hội có đầy đủ già trẻ, gái trai trong tỉnh và cả những du khách từ phương xa đến cùng nhau tham dự.

Ý nghĩa của lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang

Ý nghĩa của lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang

Lễ hội rước Mẫu mang nhiều ý nghĩa tinh thần đối với mỗi người dân nơi đây. Đây cũng là một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang trong dịp đầu năm. Với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân luôn có cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc,….

Vào tháng 1 năm 2017, lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định được những giá trị to lớn mà lễ hội này mang lại, góp phần không nhỏ cho một bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng dân tộc ở Tuyên Quang nói riêng và tập thể dân tộc Việt Nam nói chung.

Kết luận

Có thể thấy lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang là một lễ hội mang đậm nét phong tục tập quán của người dân Tuyên Quang. Trên đây là tất cả những gì mình muốn chia sẻ cho bạn về lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang. Hy vọng qua bài viết mình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những nét đẹp trong văn hóa của người dân Tuyên Quang.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *